76 NĂM THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM: NHỮNG DẤU MỐC ĐÁNG NHỚ
Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có 76 năm đồng hành cùng đất nước qua nhiều chặng đường lịch sử đầy gian nan, thử thách nhưng cũng rất đỗi hào hùng.
Trong suốt 76 năm đó, TTXVN cũng đã có những dấu mốc lịch sử riêng, đánh dấu sự phát triển và trưởng thành của một trung tâm thông tin chiến lược quốc gia, một hãng thông tấn có uy tín trong khu vực và quốc tế.
Năm 1945
Ngày 15/9/1945, 13 ngày sau ngày khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, từ Đài phát sóng vô tuyến Bạch Mai (Hà Nội), Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) nay là Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) phát đi toàn thế giới và trong nước bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử cùng danh sách thành viên Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam mới bằng 3 thứ tiếng: Việt, Pháp và Anh. Từ đó, ngày 15/9 trở thành ngày truyền thống của TTXVN.
Năm 1946
– Ra đời bản tin đánh máy bằng tiếng Pháp (6/1/1946) và bản tin tiếng Anh (1/8/1946).
– VNTTX đặt phòng đại diện tại Bangkok (Thái Lan), cung cấp các bản tin của VNTTX cho đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế, Việt kiều.
Năm 1947
Đồng chí Trần Kim Xuyến hy sinh. Đồng chí Trần Kim Xuyến (1921-1947) là một trong những người có công trực tiếp xây dựng VNTTX ngay từ những ngày đầu.
Ông là người lãnh đạo TTXVN đầu tiên, cũng là nhà báo Việt Nam đầu tiên hy sinh từ ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Năm 1950
VNTTX bước đầu hình thành cơ cấu tổ chức một cơ quan thông tấn có: Tin trong nước, tin thế giới, tin đối ngoại, tin tham khảo; bộ phận điện vụ kỹ thuật, in ấn và hành chính.
Năm 1952
– VNTTX chính thức thành lập cơ quan thường trú đầu tiên ở Bắc Kinh (Trung Quốc).
– Bác Hồ đến thăm nơi làm việc của VNTTX tại Sơn Dương, Tuyên Quang.
Năm 1954
– Phóng viên VNTTX tường thuật trực tiếp từ chiến trường về cuộc tổng công kích tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; đưa tin Hội nghị Geneve về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương.
– Tòa nhà số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội được chọn làm trụ sở của TTXVN.
– Báo Ảnh Việt Nam ra số đầu tiên.
Năm 1955
– 7 giờ 30 sáng mồng một Tết Ất Mùi, VNTTX vinh dự nhận điện thoại chúc Tết của Bác Hồ. Bác chúc VNTTX “PHÁT TIN NHANH, KỊP THỜI, TIN TỐT, TIN NHIỀU VÀ ĐẢM BẢO SỰ THẬT”.
– Khai giảng lớp đào tạo phóng viên, biên tập viên Thông tấn xã khóa đầu tiên, với gần 100 học viên.
Năm 1956
VNTTX đặt phân xã thí điểm tại Liên khu 3 (gồm các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Đông và Sơn Tây) do đồng chí Lê Chân là Trưởng phân xã, làm nền tảng cho việc gây dựng hệ thống phân xã trong nước của VNTTX sau này.
Năm 1958
– Tết Mậu Tuất, Bác Hồ đã trực tiếp gọi điện thoại chúc Tết cán bộ, phóng viên, biên tập viên VNTTX.
– Phân xã Pnom Penh (Campuchia) chính thức được thành lập.
Năm 1960
– Ngày 12/10/1960, Thông tấn xã giải phóng (TTXGP) ra đời tại Chiến khu Dương Minh Châu, miền Đông Nam Bộ. Từ ấy, VNTTX và TTXGP, tuy hai mà một, sát cánh bên nhau cùng chung nhiệm vụ đấu tranh thống nhất đất nước.
– VNTTX và Sư đoàn 304 Quân đội Nhân dân Việt Nam (Sư đoàn Vinh Quang, quê hương của phong trào thi đua “Ba Nhất”) kết nghĩa.
Năm 1965
– VNTTX mở lớp điện báo đầu tiên gồm gần 100 người. Đội ngũ cán bộ công nhân viên VNTTX tăng gấp 6 lần, phát tin gấp 20 lần.
– Thành lập phân xã Alger (Algeria).
Năm 1968
Phóng viên TTXGP có mặt tại khắp các đô thị ở miền Nam, đặc biệt là Huế và Sài Gòn, ghi lại kịp thời chiến công của quân và dân Việt Nam trong đợt Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, 5 đồng chí đã hy sinh tại cửa ngõ Sài Gòn.
Năm 1972-1975
Phóng viên VNTTX và TTXGP có mặt trên mọi mặt trận, kịp thời ghi lại những chiến công của quân và dân ta trong đợt Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử,…
Năm 1976
Ngày 24/5/1976, VNTTX và TTXGP hợp nhất thành Việt Nam Thông tấn xã. Ngày 1/9/1976, các bản tin chính thức mang tên TTXVN.
Năm 1977
Ngày 12/5/1977, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 84/NQ-QHK6 phê chuẩn việc đổi tên VNTTX thành TTXVN trực thuộc Hội đồng Chính phủ.
Năm 1978
Ngày 25/12/1978, TTXVN ghi lại bằng tin, ảnh thắng lợi của quân đội ta và của lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, những bằng chứng về tội ác diệt chủng của bọn Pol Pot-Ieng Sary-Khieu Samphan, giúp cho nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới hiểu rõ những sự thật xảy ra trên đất nước Chùa Tháp.
Năm 1979
50 cán bộ, phóng viên, nhân viên TTXVN có mặt kịp thời tại mặt trận phía Bắc, theo sát các đơn vị bộ đội, dân quân, tự vệ, phản ánh kịp thời cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở vùng biên giới phía Bắc đánh trả bọn xâm lược.
Năm 1980
– Ngày 23/7/1980, Tổng Giám đốc Đào Tùng dẫn đầu một đoàn phóng viên tin, ảnh có mặt tại sân bay vũ trụ Baiconua để phản ánh về chuyến bay vào vũ trụ của anh hùng Phạm Tuân – người Việt Nam đầu tiên và cũng là người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ.
– Ngày 15/9/1980, Đảng và Nhà nước tặng TTXVN Huân chương Độc lập hạng nhất.
Năm 1982
– TTXVN gia nhập Tổ chức các hãng Thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA) và là thành viên Ban Chấp hành tổ chức này.
– Báo Thể thao & Văn hóa chính thức ra đời với tên “khai sinh” là Văn hóa & Thể thao Quốc tế.
Năm 1990
Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống, TTXVN đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.
Năm 1991
– Ngày 17/6/1991, báo Việt Nam News ra đời. Đây là tờ báo tiếng Anh hằng ngày đầu tiên và cho đến nay vẫn là duy nhất của Việt Nam.
– Bản tin ảnh Miền núi và Dân tộc ra đời tháng 1/1991, sau đổi thành Báo ảnh Dân tộc và Miền núi.
Năm 1992
Ngày 2/4/1992, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 112-HĐBT, xác định TTXVN là Hãng Thông tấn Nhà nước của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng.
Năm 1993-1994
– Báo Le Courrier du Vietnam ra đời (1993).
– Tạp chí Vietnam Law and Legal Forum ra đời (1994).
Năm 1996
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long, nguyên phóng viên nhiếp ảnh chính trị-ngoại giao của TTXVN, được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1).
Năm 1997
Ngày 19/8/1997, chính thức mở trang thông tin của TTXVN trên mạng internet tại địa chỉ www.vnanet.vn.
Năm 1998
Ngày 29/12/1998, lần đầu tiên TTXVN tổ chức trao Giải thưởng báo chí toàn ngành.
Năm 1999
Ngày 24/11/1999, Tổng Giám đốc TTXVN ký Quyết định số 592/1999/QĐ-TTX ban hành Huy chương Vì sự nghiệp Thông tấn để tặng (và truy tặng) cho những cá nhân có nhiều thành tích trong công tác, sản xuất, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển TTXVN. Năm 2004 đổi tên thành Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Thông tấn.
Năm 2001
– Ngày 21/6/2001, TTXVN đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
– Tháng 7/2001, Nhà xuất bản Thông tấn được thành lập.
Năm 2005
– Ngày 17/4/2005, TTXVN đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
– Tháng 3/2005, Báo Ảnh Việt Nam và Tạp chí Outlook của Báo Việt Nam News chính thức được đưa vào hệ thống tư liệu của Liên hợp quốc.
– Thể thao & Văn hóa tổ chức Giải thưởng âm nhạc Cống hiến lần thứ nhất. Đến nay đã tổ chức được 16 mùa giải.
Năm 2008
– Ngày 13/11/2008, khai trương Báo điện tử VietnamPlus – báo điện tử nhiều ngữ nhất Việt Nam: Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha. Ngày 5/5/2010, VietnamPlus chính thức chạy phiên bản web cho điện thoại di động và trở thành báo điện tử đầu tiên ở Việt Nam hoạt động trên tất cả các nền tảng – website, mobile và ứng dụng cho điện thoại di động.
Ngày 3/3/2020, với việc ra mắt phiên bản tiếng Nga, Báo điện tử VietnamPlus, hiện được phát hành với 6 ngôn ngữ chính gồm: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung và tiếng Nga, khẳng định vị thế của báo điện tử đối ngoại quốc gia cung cấp thông tin thời sự bằng nhiều thứ tiếng nhất Việt Nam.
– Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội ra đời. Đến nay đã tổ chức được 13 mùa giải.
Năm 2010
Ngày 25/8/2010, khai trương Truyền hình Thông tấn (VNews) – kênh truyền hình chuyên biệt tin tức chính luận, đánh dấu một bước tiến mới trên lộ trình phát triển thông tin đa phương tiện của TTXVN.
Năm 2015
Ngày 24/3/2015, TTXVN giới thiệu 5 sản phẩm thông tin mới gồm Tin đồ họa; Tin âm thanh, Trang tích hợp Tin-Ảnh; Bán nguyệt san “Kinh tế Việt Nam và thế giới;” Báo ảnh song ngữ Dân tộc & miền núi tiếng Tày, Xêđăng, Cơtu.
Năm 2019
Tháng 4/2019, TTXVN đăng cai tổ chức Hội nghị Ban chấp hành tổ chức các hãng Thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA) lần thứ 44 và vinh dự nhận giải thưởng xuất sắc chất lượng Thông tấn của OANA.
Năm 2020
– Ngày 16/6/2020, TTXVN nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho những thành tích xuất sắc trong công tác thông tin về đại dịch COVID-19.
– Ngày 1/9/2020, Chủ tịch nước ký Quyết định 1521/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho 15 tập thể, trong đó có TTXGP (TTXVN).
– Ngày 9/9/2020, Dự án chống tin giả của TTXVN đã giành chiến thắng ở hạng mục Best Project for News Literacy trong khuôn khổ Giải thưởng Truyền thông Digital châu Á 2020 của WAN-IFRA.
– Ngày 3/12/2020, tại Hà Nội, TTXVN khai trương Trang thông tin đặc biệt, đa loại hình và đa ngôn ngữ phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (địa chỉ: http://daihoidang.vn).
Năm 2021
– Ngày 14/5/2021, tại Hà Nội, TTXVN khai trương Trang thông tin đặc biệt về bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (địa chỉ: http://baucuquochoi.vn).
– Ngày 10/9/2021: Bà Vũ Việt Trang trở thành nữ Tổng Giám đốc đầu tiên của TTXVN.
Được vinh dự trở thành nhà cung cấp Màn hình LED cho Hội trường Thông tấn xã Việt Nam Khu vực phía Nam, anh em DDH đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, giúp Hội trường trở nên bắt mắt hơn, cung cấp những thông tin, hình ảnh sắc nét cho mọi người.
#Màn_hình_LED_DDH tự tin rằng sẽ mang lại sự hài lòng cho bất kỳ vị khách hàng khó tính nào bằng chất lượng, uy tín và trách nhiệm.
——————————————-
Cung cấp – mua bán – lắp đặt Màn hình LED trọn gói, cam kết chất lượng, giá thành và dịch vụ bảo hành luôn ở mức tốt nhất.
Điện thoại:
Tel: (+84)2862808978
Hotline: 0913044277 – 0348.225.013
————————————————–
#manhinhledddh #DDHLED
#mànhìnhled #mànhìnhledp3.91 #studio #quangcao #manhinhLEDquangcao #manhinhledsukien